Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

11 bí quyết nuôi con thông minh từ sơ sinh

Chỉ bằng những phương pháp đơn giản, mẹ có thể kích thích não bộ bé ngay từ khi mới còn "ẵm ngửa".

Sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ không chỉ xuất phát từ quá trình học tập mà còn qua những hoạt động hàng ngày mà trẻ tiếp thu được nhờ thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác Để giúp các giác quan của bé được kích thích hoạt động, cha mẹ có thể tham khảo những bí quyết sau.
Tương tác với bé
Các nhà khoa học quan sát thấy rằng những bé không được âu yếm, chơi cùng và yêu thương thì não của bé cũng bị kìm hãm sự phát triển. Họ cũng nhận ra những bé không được quan tâm, không được chú ý đến sự phát triển sẽ trở nên chán nản và có thể dẫn đến tử vong. Mặt khác, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những kết nối yêu thương cũng như sự tương tác giữa mẹ và bé sẽ cung cấp cho bé nền tảng cơ bản để phát triển kỹ năng tư duy cao hơn của mình.
Trò chuyện cùng bé
Hãy lắng nghe và trò chuyện với bé, như vậy sẽ củng cố cũng như tăng cường khả năng giao tiếp và ngôn ngữ ở bé. Cha mẹ thậm chí cũng có thể đọc sách cho con nghe ngay cả khi bé chưa hề hiểu được những gì trong đó. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ. Trẻ được nghe đọc sách từ nhỏ có thể phát triển mối quan tâm lâu dài trong việc đọc, học tập tốt và thành công trong cuộc sống khi trưởng thành. Đọc sách là một trong những hoạt động quan trọng nhất để giúp trẻ thông minh hơn.
Tạo điều kiện cho bé phát triển đồng đều cả hai bán cầu não
Bán cầu não trái với sở trường lý luận, logic và ngôn ngữ, trong khi bán cầu não phải thiên về sự sáng tạo và nghệ thuật. Để con được phát triển đồng đều, mẹ nhớ kích thích cả khả năng ngôn ngữ và sáng tạo của con.
11 bí quyết nuôi con thông minh từ sơ sinh 1
Hãy để cho bé được vui chơi
Khi bé chơi đùa cũng là lúc bé đang tạo ra nền tảng cho các kỹ năng về trí tuệ, xã hội, thể chất cũng như cảm xúc. Khi bé chơi với các bạn khác cũng giúp bé học được cách kết hợp các ý tưởng, ấn tượng và cảm giác với mọi người xung quanh.
Khuyến khích bé rèn luyện hằng ngày
Hoạt động thể chất không chỉ giúp bé khoẻ mạnh hơn mà còn giúp bé trở nên thông minh hơn! Các bài tập giúp tăng cường lưu lượng máu lên não và sản sinh các tế bào thần kinh mới. Nó không chỉ có lợi cho trí thông minh trong giai đoạn trưởng thành mà quan trọng hơn, còn có tầm ảnh hưởng lâu dài đến bộ não của trẻ đang trong giai đoạn phát triển.
Hãy để âm nhạc trở thành một phần cuộc sống của bé
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nghe nhạc có thể tăng cường trí nhớ, sự tập trung, động lực và học tập. Nó cũng làm giảm căng thẳng, nhân tố mà có thể phá hoại đến sự phát triển bộ não của trẻ. Việc học chơi một nhạc cụ nào đó cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy về tỷ lệ; lập luận mang tính chất không gian, thời gian, tạo nền tảng cho toán học trừu tượng.
Nếu có thể, cha mẹ nên cho bé làm quen với piano trước. Sau khi đã có thể đọc các nốt nhạc và chơi cùng lúc trên 10 nốt, thì việc bé học bất cứ loại nhạc cụ nào khác sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy, cho dù là nhạc cụ nào thì việc bắt đầu cho bé học khi còn nhỏ là điều hết sức quan trọng.
Hãy để cho bé chứng kiến cha mẹ thực hiện những hoạt động mang tính chất trí tuệ
Trẻ em thường học bằng cách mô phỏng lại hành vi của người lớn. Nếu bé thấy bố mẹ chăm chú đọc sách, viết văn, chơi nhạc hay thực hiện những hoạt động sáng tạo khác, bé sẽ bắt chước theo. Và như vậy, quá trình đó sẽ giúp bé trở nên thông minh hơn.
Hãy để bé chơi các trò chơi trí tuệ trên máy tính
Những trò chơi bổ ích trên máy tính có thể dạy cho bé biết các chữ cái, toán học, âm nhạc, phát âm và rất nhiều thứ khác. Nó cũng phát triển sự phối hợp giữa tay và mắt đồng thời chuẩn bị cho bé kiến thức về công nghệ trong tương lai. Quan trọng hơn, bé có thể vừa học vừa chơi cùng một lúc, đây là cách tốt nhất để giúp bé tiếp thu và nâng cao kiến thức cho mình.
Cho bé ăn uống đúng cách
Những thực phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ giúp phát triến sự thông minh ở trẻ. Một chế độ ăn giàu protein (trứng, cá, thịt, đậu, lạc, ...) giúp bé nâng cao sự tập trung, tỉnh táo và tư duy nhạy bén hơn. Carbohydrate đóng vai trò như nguồn năng lượng cung cấp cho não để tư duy tốt hơn. Nó chứa trong các thực phẩm nguyên hạt và hoa quả. Tuy nhiên, đường và carbohydrate đã qua chế biến lại có ảnh hưởng xấu đến khả năng chú ý, sự tập trung và mức độ hoạt động của bé. Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Đưa bé ra ngoài chơi
Cha mẹ có thể tham khảo một số nơi như bảo tàng và các địa điểm du lịch. Khi bé đã đủ lớn, hãy dẫn đến những nơi bé có thể học hỏi, khám phá những điều kỳ thú chẳng hạn như công viên, khu vui chơi. Những chuyến đi du lịch trong nước hay nước ngoài cũng là những lựa chọn tuyệt vời dành cho cha mẹ.
Giúp bé nâng cao kĩ năng bằng cách học hành chăm chỉ
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải bé nào sinh ra cũng có sẵn trí thông minh mà phần lớn được tạo nên thông qua quá trình rèn luyện (nghĩa là bạn nên học hành chăm chỉ), điều này đã giúp khả năng toán học tại trung học cơ sở của các bé tăng lên đáng kể. Vì vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện giúp bé nhận thức được để nâng cao kiến thức cũng như kĩ năng về mọi mặt trong đời sống.
 
Theo Khám phá

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (2)

Kì trước, chúng ta đã học được một số bí quyết tẩm ướp thực phẩm cơ bản. Kì này, chúng tôi sẽ chia sẻ thêm với các bạn một vài kinh nghiệm để việc tẩm ướp thực phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (2) 1
Việc tẩm ướp sẽ giúp thực phẩm thơm ngon hơn
6. Bột ngọt trong tẩm ướp thực phẩm
Có nhiều quan điểm sai lầm khi cho rằng sử dụng bột ngọt (mì chính) trong nấu ăn gây hại đến thần kinh và sức khỏe. Đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm! Đã có những bài nghiên cứu uy tín cho chúng ta thấy rằng bột ngọt chỉ biến thành hóa chất gây hại khi được đun nấu ở nhiệt độ trên 300 độ C, và trên thực tế ngay cả dầu chiên khi sôi cũng chỉ đạt mức 270 độ C.
Trong nấu nướng, nếu biết sử dụng đúng cách và đúng liều lượng, bột ngọt sẽ trở thành một loại gia vị tuyệt vời. Bột ngọt ngoài tác dụng trung hòa vị mặn của muối, chúng còn có tác dụng làm mềm thịt một cách đáng ngạc nhiên. Cho khoảng 1/4 muỗng cà phê bột ngọt vào 200g thịt ướp trong 10-15 phút, món thịt của bạn sẽ mềm hơn và tôi đảm bảo điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
7. Dầu olive và dầu ăn thường, loại nào sử dụng để ướp tốt hơn?
10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (2) 2
  
Nhiều người cho rằng sử dụng dầu oliu luôn tốt hơn dầu ăn thông thường. Thật ra điều đó không đúng với việc tẩm ướp thực phẩm. Đối với ướp các loại thịt, sử dụng dầu ăn là tốt hơn cả. Bởi vì dầu oliu chỉ thích hợp ăn sống (dùng để trộn các món salad) hoặc trong chiên xào với thời gian ngắn.
Dầu oliu dễ bị oxi hóa khi tiếp xúc ngoài không khí và ánh sáng. Đó là lý do vì sao những chai dầu oliu thường được đựng trong chai thủy tinh tối màu. Do vậy, tốt hơn cả là bạn nên sử dụng dầu ăn trong tẩm ướp để đạt hiệu quả tốt nhất.
8. Mật ong, gia vị tạo mùi thơm cho thịt nướng
Bạn hay thắc mắc tại sao các ở ngoài thường có mùi thơm rất đặc biệt không giống với thịt nướng ở nhà bạn làm? Câu trả lời là do họ sử dụng mật ong trong tẩm ướp thịt. Mật ong tạo độ ngọt tự nhiên cũng như làm tỏa hương thơm của miếng thịt khi nướng. Cho 1-2 muỗng canh mật ong/ 200g thịt ướp trong 30 phút trở lên sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra trong khi nướng bạn có thể quết một lớp mật ong mỏng lên bề mặt thịt.
Lưu ý: Mật ong chỉ phù hợp nhất với các loại thịt trắng (heo, gà), với các loại thịt đỏ (bò, cừu…) bạn nên ướp bằng đường sẽ ngon hơn.
9. Rau củ cũng cần ướp trước khi nướng
10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (2) 3
  
Bạn hay nghĩ rau củ không cần thiết phải ướp trước khi nướng, nhưng thật sự một vài loại rau củ nếu được nhúng sơ qua với nước sốt BBQ trước khi nướng sẽ rất thơm ngon và thấm vị.
Một số loại rau củ nên ướp sơ trước khi nướng (dưới 5 phút): Đậu bắp, hành tây, ớt chuông, dứa (thơm), nấm mỡ… Riêng nấm đông cô và khoai tây trong khi nướng bạn rắc lên một ít muối, tiêu là đã rất ngon rồi.
Nước ướp thích hợp cho các loại rau củ: Hỗn hợp tỏi, sả băm, một ít dầu ăn và sa tế tôm. Đơn giản hơn, bạn có thể tận dụng luôn nước ướp thịt để ướp rau củ (dĩ nhiên thời gian ướp sẽ ngắn hơn nhiều so với thịt)
10. Không phải loại thực phẩm nào cũng cần được tẩm ướp
Có một nguyên tắc trong giới đầu bếp: “Thực phẩm càng đắt tiền thì việc tẩm ướp càng đơn giản”. Một số loại thực phẩm vốn dĩ đã có hương vị thơm ngon, bạn nên hạn chế tẩm ướp hoặc chỉ ướp trong thời gian ngắn. Vì đôi khi gia vị sẽ làm át đi mùi vị thơm ngon tự nhiên của thực phẩm.
Một số loại thực phẩm không nên ướp (hoặc chỉ ướp thật đơn giản với muối, tiêu/ cho gia vị trực tiếp khi nấu): Thịt bò xắt lát, cá hồi phi lê, cá tuyết, tôm hùm, các loại nấm đắt tiền, các loại sò, hàu,…
Trên đây là một vài kinh nghiệm tẩm ướp thực phẩm mà chúng tôi chia sẻ, hy vọng điều này sẽ giúp ích cho các bạn trong việc nấu nướng hằng ngày. Chúc các bạn áp dụng các bí quyết thành công cho món ăn của mình!
Theo lammonngon.com

10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (1)

Việc tẩm ướp thực phẩm thật ra không hề khó, quan trọng là bạn cần nắm được một số quy tắc cơ bản kết hợp cùng một chút kinh nghiệm của bản thân.

Tẩm ướp thực phẩm là một khâu khá quan trọng trong quá trình sơ chế trước khi chế biến. Việc tẩm ướp các loại gia vị hợp lý sẽ làm cho thực phẩm thẩm thấu tốt và tạo hương vị tuyệt vời khi thưởng thức. Sẽ rất khó chịu khi bạn phải ăn một miếng bít tết nhạt nhẽo được dọn kèm với nước sốt mặn chát.
Việc tẩm ướp thực phẩm thật ra không hề khó, quan trọng là bạn cần nắm được một số quy tắc cơ bản kết hợp cùng một chút kinh nghiệm của bản thân. Chúng tôi sẽ chỉ bạn một vài bí quyết tẩm ướp thực phẩm đơn giản như sau:
1. Rượu trắng và gừng giúp khử mùi tanh của cá và hải sản
10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (1) 1
  
Những loại cá biển và hải sản có mùi tanh tự nhiên khiến món ăn mất ngon khi thưởng thức. Để của chúng, bạn có thể cho thêm gừng và rượu vào nước ướp.
Đối với cá: Gừng đập dập, chà xát lên bề mặt da cá. Hoặc bạn có thể rưới một muỗng canh rượu trắng và đặt vài lát gừng xắt mỏng lên trên cá khi hấp.
Đối với hải sản khác như bạch tuộc, mực: Rửa sạch với ít nhất 3 muỗng canh rượu trắng+ nước đá lạnh+ 1 củ gừng đập dập trước khi ướp.
2. Tẩm uớp thực phẩm theo trình tự mặn-ngọt-thơm-cay
Nhiều người không chú trọng thứ tự ướp của các loại gia vị. Họ chỉ đơn thuần nhớ đến món nào là cho món đó vào. Việc này làm thực phẩm không thẩm thấu một cách tốt nhất.
Bạn nên ướp theo trình tự như sau, điều này giúp thực phẩm đạt hương vị mong muốn sau khi nấu và thẩm thấu một cách tốt nhất. Cách này còn giúp chúng ta không bỏ sót hay quên ướp một loại gia vị nào đó.
Mặn: Muối, hạt nêm, nước mắm…
Ngọt: Đường, bột ngọt, mật ong…
Thơm: Hành tím, tỏi băm, rượu, tiêu, mè, cùng các loại lá thơm…
Cay: ớt, sa tế,…
Không mùi: Một số món cần ướp với dầu ăn, trứng hoặc bột mì, đây là ba loại “gia vị” khá đặc biệt, bạn nên cho vào cuối cùng.
Lưu ý: Nếu tẩm ướp thực phẩm số lượng nhỏ, bạn có thể ướp trực tiếp. Bạn nên trộn lên một lần trước khi ướp một loại gia vị khác vào, như vậy gia vị sẽ đều hơn.
Nếu lượng thực phẩm cần ướp lớn, bạn nên trộn đều các loại gia vị vào một chén, sau đó rưới lên thực phẩm, nó sẽ giúp thịt thấm đều nước ướp hơn.
3. Thời gian và liều lượng trong tẩm ướp thực phẩm
Đối với từng loại thực phẩm và tùy theo món ăn sẽ có thời gian tẩm ướp khác nhau. Thông thường:
Thịt heo, gà (thịt trắng): Ướp trên 30 phút (miếng to)
Thịt bò, cừu (thịt đỏ): 10 phút với thịt nguyên khối
Thịt thái lát hoặc thịt băm: dưới 5 phút hoặc không ướp (nêm gia vị trực tiếp khi nấu)
Cá: 15-20 phút. Cá biển có độ mặn tự nhiên nên ướp ít muối hơn cá sông.
Hải sản: Tôm còn nguyên vỏ, mực lá dày: từ 15-30 phút, không quá 1 tiếng. Tôm bỏ vỏ, mực ống: 5-10 phút hoặc không ướp. Riêng bạch tuộc không nên ướp quá 15 phút vì bạch tuộc sẽ ra nước ăn mất ngon.
Củ quả: Rắc gia vị trước khi đút lò nướng.
4. Nước ép lê táo giúp làm mềm thịt
10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (1) 2
  
Đối với những bạn đã từng thưởng thức Hàn Quốc hay đã xem chương trình ẩm thực Hàn Quốc chắc hẳn sẽ rất thích thú với những miếng thịt nướng thơm ngon và mềm mại tới bất ngờ. Bí quyết tẩm ướp thịt nướng của người Hàn rất đơn giản: Họ sử dụng nước ép trái cây trong tẩm ướp thịt, đặc biệt là nước ép lê, táo. Chính axit nhẹ trong các loại trái cây làm mềm và tạo độ ngọt tự nhiên cho thịt. Bí quyết này đặc biệt phù hợp với những loại thịt đỏ như thịt bò, bê, cừu…
Cách lấy nước trái cây không dùng máy ép: Bào mỏng hoặc băm nhỏ trái lê, táo. Sau đó lấy một miếng vải mỏng (bạn có thể sử dụng loại khăn mùng trắng dành cho trẻ em), cho lê táo vào và vắt lấy nước. Ướp nước ép lê táo với thịt trong ít nhất 20p, bạn sẽ thấy sự khác biệt của thịt sau khi nướng.
5. Cách sử dụng muối cũng quan trọng?
10 bí quyết tẩm ướp thực phẩm (1) 3
  
Trong nấu ăn có nhiều loại muối, được phân loại theo kích cỡ và vị mặn của từng loại. Thông thường các đầu bếp chuyên nghiệp hay sử dụng muối ăn (kosher salt) để tẩm ướp thịt và muối biển (sea salt) để ướp cá và hải sản. Chú ý bạn tuyệt đối không nên sử dụng muối tinh (muối iod) trong tẩm ướp thời gian dài vì chúng có độ mặn cao, lại dễ thẩm thấu làm thực phẩm ra nước và bị khô.
Theo lammonngon.com

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Hãy tăng khả năng tư duy của trẻ bằng âm nhạc

Đăng Bởi -
Hãy tăng khả năng tư duy của trẻ bằng âm nhạc 
 
Âm nhạc có tác dụng thư giãn tạo sự thoải mái tinh thần, khơi gợi những cảm hứng sáng tạo trong công việc, xoa dịu những buồn phiền lo lắng, các nhà khoa học còn chứng minh được rằng âm nhạc trực tiếp góp phần không nhỏ trong việc hình thành tư duy toán học của con người.
Một nghiên cứu tại Mỹ chia sinh viên thành 3 nhóm nhỏ, nhóm thứ nhất nghe nhạc Mozart, nhóm thứ 2 nghe nhạc bình thường, nhóm thứ 3 không nghe gì cả. Kết quả kiểm tra khả năng tư duy không gian của nhóm thứ nhất tăng 62% so với trước đó, nhóm thứ 2 tăng 14%, nhóm thứ 3 là 11%, như vậy âm nhạc còn có tác dụng trong việc phát triển tư duy toán học.
Trẻ em có thể thưởng thức những giai điệu của âm nhạc không?
Em bé 2 ngày tuổi đã nhận biết được âm thanh và phản ứng lại, đến 2 tháng tuổi trẻ đã thích nghe nhạc hòa tấu và tiếng hát. Âm nhạc luôn luôn cần thiết và góp phần không nhỏ trong sự phát triển trí thông minh của trẻ.
 Vậy khoảng độ tuổi nào thì thích hợp để trẻ có thể học âm nhạc? Vì sao?

Âm nhạc va hội hoạ là một trong những môn học thuộc về năng khiếu, tuy nhiên nếu chúng ta không cho con đi học thì không thể biết con mình có năng khiếu hay không, các nhà chuyên môn thường khuyên nên cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc càng sớm càng tốt nhưng học nhạc thì nên bắt đầu ở độ tuổi đi học vì đây là độ tuổi đã có ý thức có khả năng tự kiềm chế và kiên nhẫn. Tuy nhiên cũng có những trẻ có thể học nhạc trước khi học chữ.
Vì sao trẻ em có thể học nhạc trước khi biết chữ?
Các nhà khoa học Anh đã chứng minh có sự liên hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và ngôn ngữ vì cả 2 đều phụ thuộc vào khả năng phân biệt âm thanh của người nghe,việc cho trẻ tiếp xúc âm nhạc sớm có thể hỗ trợ cho trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và tại não vùng xử lý toán nằm ngay bên cạnh vùng xử lý âm nhạc nên tác động của âm nhạc sẽ ảnh hưởng tích cực đến khả năng toán học của trẻ., như vậy nếu ta cho trẻ học nhạc sớm thì sẽ phát triẻn ngôn ngữ và toán học thuận lợi cho việc học chữ sau này.
Những điều lưu ý khi cho trẻ học nhạc:
- Đầu tiên là phải dựa vào khả năng tiếp thu âm nhạc của trẻ,
- Tiếp đó là dựa vào sự phát triển của lứa tuổi để chọn loại nhạc thích hợp
- Và cuối cùng không nên quá kỳ vọng vào những kết quả  theo ý thích của chính cha mẹ chứ không phải của trẻ.
 BS.CK1.Thái Thanh Thủy – Benhviennhi.org.vn

Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất Đà Lạt

Đăng Bởi -
Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất Đà Lạt

Ở Đà Lạt, hễ có dịp tôi hay lui tới Nhà ga xe lửa, Trường Cao đẳng Sư Phạm và Trường Nữ tu Couvent des Oiseaux. Đây là 3 công trình theo tôi là đẹp nhất, gợi cảm nhất và cũng đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ, tiếc nuối nhất.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, theo lời gợi ý của bác sĩ huyền thoại Yersin, vị toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã quyết định cho quy hoạch và xây dựng  Đà Lạt thành 1 trung tâm hành chính, du lịch và giáo dục của Đông Dương lúc bấy giờ với nhiều biệt thự, công sở, trường học, nhà thờ, tu viện….
Nói về các công trình kiến trúc Pháp cổ tại Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng, chúng ta ai cũng ngỡ ngàng về đường lối, bố cục kiến trúc và vẻ đẹp tinh tế, bền vững với thời gian, lịch lãm hài hòa của văn hóa Phương Tây kết hợp với các chất liệu địa phương của các công trình này. Có thể kể ra hàng loạt những công trình kiến trúc Pháp cổ nổi tiếng ở Đà Lạt như Nhà ga xe lửa, Trường cao đẳng sư phạm, tòa nhà Cục Bản Đồ, Trường nữ tu Couvent Des Oiseaux, Nhà thờ Con Gà, Trường Đại học Đà Lạt, Viện Pasteur…
Tôi sinh ra và lớn lên cùng với sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, dòng sông mạnh mẽ và quanh năm cuộn đỏ phù sa, có lẽ vậy nên tôi luôn có cảm tình hơn cả với những công trình kiến trúc có màu hồng đỏ như phù sa của sông Hồng vì nó đem lại cho tôi cảm giác gần gũi, ấm ấp. Ở Đà Lạt, hễ có dịp tôi hay lui tới Nhà ga xe lửa, Trường Cao đẳng Sư Phạm và Trường Nữ tu Couvent des Oiseaux. Đây là 3 công trình theo tôi là đẹp nhất, gợi cảm nhất và cũng đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ, tiếc nuối nhất.
Ga Đà Lạt
Được xem là nhà ga xe lửa cổ kính nhất và đẹp nhất Việt Nam do người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1938 nối liền Đà Lạt với Phan Rang dài hơn 80km với kiến trúc nhà ga chính gồm 3 vòm mái hình chóp cách điệu ba đỉnh núi Langbiang- đỉnh núi cao nhất và linh thiêng nhất của cao nguyên Lâm Đồng. Phía mặt nhà ga là 1 chiếc đồng hồ lớn có ghi lại thời gian mà bác sĩ huyền thoại Yersin khám phá ra vùng đất cao nguyên xinh đẹp này.

 Ga Đà Lạt năm 1948 - Ảnh: TL Internet
Nhắc tới ga Đà Lạt là mọi người nhắc tới một trong những hệ thống đường sắt độc đáo nhất trên thế giới: Đường ray răng cưa và đầu máy răng cưa vượt qua đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) với đường sắt có 3 đường ray và đường ray nằm ở giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn.
Sau khi người Pháp thất thế và rút khỏi Việt Nam, tuyến đường sắt đặc biệt này bị phá bỏ và hoàn toàn ngừng hoạt động vào năm 1972. Người thì cho rằng tuyến đường sắt bị phá là do người Mỹ, người lại cho rằng đó là phong trào đập bỏ tất cả những gì được coi là tàn dư của thực dân phong kiến và đế quốc. Cho tới ngày hôm nay thì ai cũng biết rằng dù với bất cứ nguyên nhân gì thì việc mất đi tuyến đường sắt đặc biệt này là một trong những sự nuối tiếc lớn nhất của ngành đường sắt Việt Nam và của người dân Đà Lạt. Nghe đồn hệ thống đường sắt bánh răng cưa trên thế giới hiện nay chỉ còn một đoạn ở Thụy Sỹ.
 Bây giờ ga cũng là địa điểm du lịch của nhiều du khách Việt và quốc tế - Ảnh: Internet
Ga Đà Lạt hiện tại đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố với tuyến đường sắt duy nhất còn phục vụ  là tuyến Thành Phố Đà Lạt – Trại Mát dài 7 km và gần như đơn thuần chỉ chạy phục vụ sự tò mò hiếu kỳ của khách du lịch hơn là khai thác vận tải. Không hiểu do công nghệ kỹ thuật phức tạp mà người ta không thể xây dựng lại đoạn đường sắt răng cưa dài chỉ có hơn 10km vượt đèo sông Pha hay do những người cầm quyền không muốn xây dựng lại vì họ nghĩ rằng việc đó chẳng khác nào họ công nhận quyết định đập bỏ của họ khi xưa là 1 sai lầm?
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt Grand Lycée Yersin
Đã có quá nhiều mỹ từ người ta nói về công trình kiến trúc tuyệt đẹp này.   Được khởi công xây dựng vào năm 1927, hoàn thành  năm 1935 và được đặt tên  là trường Lycée Yersin và thường gọi là trường Grand Lycée chuyên đào tạo cao đẳng để phân biệt với trường Petit Lycée  là trường chuyên đào tạo học sinh tiểu học. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt được hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX với màu đỏ đặc trưng của gạch với tòa nhà chính gồm các lớp học 3 tầng xây liền với 1 tháp chuông, từ tháp chuông có 1 hành lang nhỏ dẫn thẳng tới khu nhà văn phòng nằm ngay giữa cổng ra vào, qua 1 khoảng sân rộng phía sau vài dãy thong là các lớp học phụ, khu hành chính, ký túc xá và nhà ở cho nhân viên của trường….
 Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt Grand Lycée Yersin - Ảnh: Internet
Điểm độc đáo nhất của công trình kiến trúc này là tòa nhà lớp học chính được xây theo hình cánh cung cong vút nối liền với 1 tháp chuông, toàn bộ khối kiến trúc chính nhìn giống như 1 cuốn vở đang mở ra và tháp chuông chính là cây bút. Tòa nhà hành chính nhỏ ngay lối cổng ra vào được xây bằng đá đen tượng trưng cho nghiên mực. Vở, bút mực là những công cụ quan trọng của việc học hành, là biểu trưng cho việc coi trọng Sự Học của người Việt từ xa xưa cho tới nay.
Tiếc rằng không biết vì lý do nào đó, tòa nhà hành chính nhỏ bằng đá đen tượng trưng cho nghiên mực khi xưa đã bị đập bỏ và được thế bằng 1 tòa nhà giả cổ vô cùng xấu xí với mái tôn công nghiệp màu xanh và lớp xi măng đắp giả đá bên ngoài.
Vở tốt, Bút tốt nhưng Mực thì tồi, liệu bạn có thể viết ra được những con chữ ngay ngắn? Tôi tin rằng không dễ…
Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux
Nằm trên một đồi thông dọc đường Huyền Trân Công Chúa ngay gần thác CamLy, Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp ở Đà Lạt được xây dựng từ năm 1935 và là nơi học tập của nữ sinh con nhà giàu có của các gia đình người Pháp, người Việt, người Campuchia và Lào.
Được xây dựng theo đúng phong cách đặc trưng của các trường dòng châu Âu gồm 1 khối kiến trúc lớn 3 tầng nằm giữa đỉnh đồi thông, phía sau là khu ký túc xá và bên trái là 1 nhà nguyện.  Xung quanh khối kiến trúc chính là vườn để trồng trọt xen lẫn với rừng thông, phía sau cùng là 1 con suối cung cấp nước và bao quanh là tường rào được xây rất kiên cố.  Ngôi trường đem lại cảm giác vừa giống như một trường học, vừa giống như một pháo đài hay lãnh địa nhỏ cũng vừa giống như một trang trại có thể tự cung tự cấp và sống khép kín khi cần. Đây cũng là một ngôi trường có phong cách giáo dục nổi tiếng chu đáo và nghiêm khắc trong lịch sử với nhiều học sinh nổi tiếng như Nam Phương Hoàng Hậu.
Hiện tại Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux đã bị chia thành nhiều hạng mục, phía bên ngoài đường Huyền Trân Công Chúa là một trường mầm non nhỏ và một số quầy bán hang, tòa kiến trúc chính trở thành Trường PTTH Dân Tộc Nội Trú tỉnh Lâm Đồng, nhà nguyện được trả về cho Thiên Chúa Giáo và phía sau trường nơi có vườn cây và suối nước thì đã bị khá nhiều người dân ở những nơi khác chiếm làm nhà tạm.

 Bên trong khuôn viên của trường Nũ tu Couvent Des Oiseaux - Ảnh: Internet
Tôi được một Nữ tu ở nhà nguyện tiếp đón nhẹ nhàng, lịch thiệp nhưng tôi cảm nhận được rằng ẩn chứa bên trong đôi mắt biết nói của vị nữ tu kia là một thái độ tiếc nuối và cam chịu khi nói về ngôi trường xưa kia.
Miên man với những suy nghĩ về số phận của những công trình kiến trúc ở Đà Lạt mà tôi yêu thích, tôi bắt gặp một công trình kiến trúc khác nằm nép mình ở một con dốc nhỏ trên đường Trần Quang Diệu Đà Lạt ngay sát Dinh 1. Đây là một công trình kiến trúc gần giống như Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux  nhưng nhỏ nhắn hơn, khiêm tốn hơn và tôi cho rằng đẹp hơn.
Toàn bộ khối kiến trúc cũng mang màu đỏ của gạch xây thô và đá gạch đá ong với mặt tiền là khu nhà kiểu văn phòng xây liền với một nhà nguyện phía bên phải, phía sau là một khoảng sân rộng và dãy lớp học được nối liền với tòa nhà văn phòng phía trước bằng 1 hành lang và bao quanh là rừng thong xanh ngút ngàn.
Tôi đã xới tung cả Đà Lạt để hỏi thông tin về công trình kiến trúc tuyệt đẹp này nhưng kết quả thật đáng thất vọng, chẳng ai biết gì về nó ngoài 1 thông tin gần như duy nhất mà tôi có: “Hình như ngày xưa đó là Dòng tu Francessca”.
Tôi đã từng yêu say đắm một người con gái có tên là Francessca và tôi nghĩ dòng tu Francessca được lấy tên từ một người con gái có tên như vậy - một người con gái đẹp.
Giống như tính cách của một cô gái e lệ, toàn bộ mặt tiền của dòng tu Francessca nép mình vào một con dốc nhỏ không tên và phải đi vòng xuống con dốc tới sát dòng tu mới có thể nhìn thấy toàn cảnh của khối kiến trúc. Khu nhà lớp học phía sau cũng được xây rất khiêm tốn nép mình dưới những gốc thông và toàn bộ hướng nhìn của khối lớp học nhìn thẳng ra rừng thông với một vài đường mòn dẫn vào rừng  từ một vài cánh cửa nhỏ bí mật nào đó của dòng tu. Đột nhiên tôi cứ có cảm giác rằng không gian này, không khí này, hương vị này giống như trong tiểu thuyết “ Tu viện thành Pácmơ” nổi tiếng mà tôi đã từng đọc.
Rất khó để tả cụ thể về công trình kiến trúc này một cách chính xác, chỉ có thể nói rằng nó đem đến cho tôi một cảm giác yên bình kỳ lạ: Không phô trương, không phức tạp mà đơn giản, vừa phải, tinh tế và hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Người ta nói rất nhiều về Dinh 1, nhưng chẳng thấy ai nói gì về công trình này  mặc dù nó chỉ cách Dinh 1 chưa tới 1 km. Phải chăng lịch sử hình thành và phát triển của dòng tu này ở Đà Lạt quá ngắn ngủi, hay Dinh 1 đã từng là nhà của 1 ông vua nên được nhiều người để ý hơn, hay thói quen của con người thường hay nhắc đến những gì hào nhoáng ầm ĩ hơn là những gì khiêm tốn, vừa phải mặc dù xét về tầm vóc thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.
Tôi nhắn cho Francessca bạn tôi rằng “ở Đà Lạt có 1 công trình kiến trúc đẹp kinh khủng mang tên Francessca”, câu trả lời của nàng là “Làm gì có chuyện hoang đường đó…”. Tôi biết nàng đã đưa ra câu trả lời sau khi tìm kiếm thông tin một cách kỹ lưỡng bằng công cụ “Google” trên internet.
Francessca ơi, cuộc sống bên ngoài vô cùng rộng mở và còn rất nhiều điều kỳ diệu để em khám phá.  Chuyện hoang đường cỡ nào cũng hoàn toàn có thể xảy ra, ngày xưa em đã chẳng từng nói rằng em và anh không thể và sẽ không bao giờ rời xa nhau đó thôi.
Tôi gửi hình chụp và nhắn đại ý rằng “Google chỉ là công cụ, Góc nhìn và Cảm giác của em mới là quan trọng”….Tôi biết sau tin nhắn này, Francessca bạn tôi sẽ lên Google tìm hiểu có bao nhiêu cách để đi từ Hà Nội lên Đà Lạt một cách nhanh nhất.
Nguyễn Mạnh Hà

Người Mỹ dạy bài học cô bé lọ lem như thế nào?

09/09/2014 16:11

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

- Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
- Em thích cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
- Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
- Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
- Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy.
- Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
- Vì sao thế?
- Vì... vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
- Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?
- Vì có cô tiên giúp ạ. Cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
- Đúng, các em nói rất đúng. Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
- Đúng ạ.
- Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không?
- Không ạ.
- Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?
- Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
- Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?
- Chính là Cinderella ạ.
- Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào?
- Phải biết yêu chính mình ạ.
- Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bẳn thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?
- Đúng ạ, đúng ạ!
- Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không?
- Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
- Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?
- Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Chuyên gia Harvard tiết lộ cách dạy con

Theo Richard Weissbourd, một chuyên gia tâm lý của Đại học Harvard thì điều quan trọng khi nuôi dạy con trẻ không phải là cố ép chúng trở thành thiên tài mà phải dạy được chúng cách sống "tử tế, nhân hậu".
Harvard, dạy con, phụ huynh
Một cuộc thăm dò do Weissbourd tiến hành mới đây đã cho thấy các bậc phụ huynh bị ám ảnh bởi thành tích học tập của con cái hơn là về tình cảm, tính cách của chúng. Tỷ lệ phụ huynh cảm thấy tự hào nếu điểm số ở lớp của con mình cao hơn các bạn cùng lớp nhiều gấp 3 lần so với những người hạnh phúc khi con mình tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chăm sóc cộng đồng do trường tổ chức.
Chính vì thế, Weissbourd đã đưa ra những khuyến nghị về cách nuôi dạy trẻ để chúng trở thành những người "biết quan tâm, tôn trọng người khác và sống có trách nhiệm" khi trưởng thành. Bạn tự hỏi tại sao những phẩm chất này lại quan trọng? "Đó là vì nếu như muốn con bạn trở thành người tốt, bạn cần phải nuôi dạy chúng như vậy".
"Nhân chi sơ tính bản thiện. Một đứa trẻ ra đời chưa biết thế nào là tốt hay xấu, do đó, chúng ta không bao giờ được phép định kiến hay dễ dàng bỏ cuộc. Chúng cần sự giúp đỡ của người lớn để biết cách quan tâm, yêu thương người khác, sống trách nhiệm với cộng đồng dù ở bất cứ lứa tuổi nào".
Dưới đây là 5 bí quyết để nuôi dạy trẻ theo hướng như vậy, theo lời Weissbourd.
1. Luôn đặt việc quan tâm tới người khác lên hàng đầu
Vì sao? Các bậc cha mẹ thường có xu hướng coi trọng thành tích học tập cũng như niềm vui của con mình hơn là cách sống "vì người khác". Nhưng trẻ em cần phải học được cách cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của người khác, dù cho đó là cho bạn mượn quả bóng hay là đứng ra bảo vệ một người bạn bị bắt nạt.
Bằng cách nào? Trẻ cần được bố mẹ dạy dỗ thường xuyên rằng: luôn phải quan tâm đến người khác. Hãy luôn nhắc nhở trẻ về sự "cam kết", kể cả khi trẻ không vui về điều đó. Lấy thí dụ, trước khi con bạn muốn bỏ đội bóng, ban nhạc hay nghỉ chơi với một bạn nào đó, chúng ta nên hỏi trẻ rằng chúng đã cân nhắc xem quyết định đó có ảnh hưởng đến tập thể và các bạn hay không. Cũng đừng quyên khuyến khích trẻ nghĩ cách giải quyết vấn đề trước khi từ bỏ.
Hãy thử:
• Thay vì nói: "Điều quan trọng nhất là con thấy vui", hãy nói với chúng: "Điều quan trọng nhất là con sống có trách nhiệm".
• Hãy đảm bảo rằng những đứa trẻ lớn luôn đối xử với em bé hơn một cách tôn trọng, kể cả khi chúng đang mệt hay bực tức.
• Nhấn mạnh vào sự yêu thương khi trò chuyện cùng những người lớn khác có vị trí quan trọng trong cuộc sống của trẻ, thí dụ như hãy hỏi giáo viên của trẻ rằng ở trường, trẻ có đối xử tốt với bạn hay không.
2. Luôn tạo cơ hội để trẻ tập quan tâm, chăm sóc người khác
Vì sao? Không bao giờ là quá muộn để trở thành người tốt, nhưng không có sự hướng dẫn, dìu dắt của người lớn, trẻ sẽ không thể tự mình trưởng thành được. Chúng cần được thực hành thường xuyên việc quan tâm, chăm sóc người khác, cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với những ai yêu thương, quan tâm tới chúng. Các nghiên cứu đã cho thấy những ai có thói quen bày tỏ sự biết ơn cũng có xu hướng hào hiệp, tận tâm, vị tha hơn. Khả năng họ sống khỏe mạnh, hạnh phúc cũng cao hơn so với những người sống chỉ biết mình.
Bằng cách nào? Học cách yêu thương, chăm sóc người khác cũng giống như học chơi một môn thể thao/chơi một nhạc cụ vậy. Phải thực hành mỗi ngày, lặp đi lặp lại. Dù là giúp bạn làm bài tập về nhà hay đỡ người già qua đường. Hãy biến sự quan tâm thành bản năng ở trẻ.
Hãy thử:
- Không thưởng quà cho trẻ cứ mỗi khi trẻ giúp bố mẹ việc nhà (như lau bàn ăn chẳng hạn). Nên để trẻ hiểu việc đỡ đần bố mẹ, anh chị em, hàng xóm là việc hết sức bình thường. Chỉ khen ngợi, thưởng quà cho những hành vi tốt "bất thường" mà thôi.
- Hãy trò chuyện với trẻ về những hành vi thờ ơ và quan tâm trên truyền hình, về sự công bằng hoặc bất công mà trẻ chứng kiến trong đời thực hay nghe trên bản tin.
- Hãy dạy trẻ dành một phút biết ơn mọi người trước bữa ăn, trước khi đi ngủ... Sẵn sàng nói lời cảm ơn với người khác.
3. Mở rộng mối quan tâm của trẻ
Vì sao? Hầu hết trẻ em chỉ quan tâm đến bạn bè và gia đình của chúng. Thách thức của chúng ta là phải giúp chúng vượt ra khỏi vòng tròn nhỏ hẹp đó.
Bằng cách nào? Trẻ cần được học cách lắng nghe và chú ý đến những nhân tố mới xuất hiện trong cuộc sống của chúng, để ý đến những người yếu đuối, cần sự giúp đỡ.
Hãy thử:
- Hãy dạy trẻ luôn thân thiện và tử tế với những người mới gặp, kể cả khi đó chỉ là một chú tài xế xe buýt hay một cô phục vụ bàn.
- Khuyến khích trẻ quan tâm đến những người yếu đuối, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi giúp đỡ người khác.
- Sử dụng một tờ báo hoặc mẩu tin trên TV để khuyến khích trẻ nghĩ về những khó khăn mà trẻ em ở các nước nghèo đang gặp phải.
4. Hãy là tấm gương lớn nhất cho trẻ
Vì sao? Trẻ sẽ học các giá trị đạo đức bằng cách quan sát hành động của những người thân thiết nhất với chúng. Bạn không thể mong chúng cư xử tốt với một người nếu bản thân bạn luôn tỏ ra hằn học, ghét bỏ người đó.
Bằng cách nào? Bạn phải thành thật, công bằng với trẻ và luôn quan tâm đến người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải cố làm người hoàn hảo. Để trẻ tôn trọng và tin tưởng chúng ta, các bậc phụ huynh cần biết thừa nhận sai lầm và điểm yếu của mình trước trẻ. Bạn cũng cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của chúng.
Hãy thử:
- Hãy tham gia các hoạt động cộng đồng ít nhất 1 lần/tháng và rủ cả gia đình dự cùng.
- Hãy hỏi trẻ về những tình huống khó xử mà chúng gặp phải trong ngày khi cả nhà đang ăn tối cùng nhau, giúp trẻ tìm ra cách giải quyết những tình huống đó.
5. Hướng dẫn trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực
Vì sao? Thường thì khả năng quan tâm tới người khác luôn bị lấn át bởi sự giận dữ, xấu hổ, ghen tỵ hoặc vô số cảm xúc tiêu cực khác.
Bằng cách nào? Chúng ta cần dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều là bình thường, nhưng trẻ cần học cách tiết chế những cảm xúc tiêu cực.
Hãy thử: Đây là một cách đơn giản để trẻ bình tĩnh trở lại: Hãy yêu cầu trẻ dừng lại, hít thở thật sâu qua đường mũi rồi thở ra đường miệng. Sau đó đếm đến 5. Hãy tập luyện việc này cùng trẻ khi trẻ đang bình tĩnh. Sau đó, bất cứ khi nào thấy trẻ bực bội, giận dữ, hay nhắc trẻ nhớ các bước nói trên và làm việc đó cùng trẻ. Một lúc sau, khi trẻ đã giảm xúc động, hãy để trẻ có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình một cách bình tĩnh hơn.
Y Lam

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Dạy con tự lập



Susan là bạn của gia đình tôi ở Mỹ. Có một thời gian quá bận rộn, Susan nhờ tôi chở con trai bà, David, tới lớp tennis. Những lần tiếp xúc ngắn chỉ 20 phút lái xe chở David tới trung tâm tennis, tôi rất ngạc nhiên vì cậu bé 10 tuổi này ăn nói chững chạc, chào hỏi, cảm ơn, hỏi tôi nhiều chuyện và có những quan điểm riêng mà cậu ấy không ngại ngần bộc lộ, khi chia sẻ về các môn học hay về các nước cậu ấy đã đi qua.
Một lần tôi tới chơi nhà Susan, đang ngồi nói chuyện thì Susan có điện thoại. “David để quên cuốn vở bài tập ở nhà. Nó nhờ tôi mang tới trường cho nó”. Rồi Susan hỏi tôi có muốn cùng bà đi bộ tới trường của David không. “Trường cách đây bao xa?”, tôi hỏi. “Đi bộ mất khoảng 20 phút”.
Trên đường đi, tôi hỏi Susan: “Tôi chắc chắn rằng David là một đứa bé rất tự tin và tự lập. Nhưng bà có nghĩ rằng giúp đỡ nó như thế này thì có chiều nó quá không?”. Susan trả lời: “David là một đứa trẻ ngoan. Hôm nay nó quên cuốn vở, tôi cũng đang rỗi rãi thì tôi sẽ mang tới cho nó”. “Nhưng bà có nghĩ rằng làm như vậy nó sẽ ỷ lại không?” “Không, chúng ta ai chẳng có lần quên cái này cái kia. Tôi dám chắc rằng David chẳng muốn bị quên vở tí nào”.
“Nhưng nếu nó không chỉ quên lần này, mà còn quên thêm hai, ba lần nữa thì sao? Liệu bà còn mang vở đến cho nó không?” “Nếu lúc đó tôi rỗi, thì tôi vẫn có thể mang tới cho nó”. “Tôi không hiểu. Sao bà không dạy David một bài học, nói rằng: “Đây là lần thứ ba con quên vở rồi. Mẹ không thể lần nào cũng mang đến cho con. Con chịu khó bị điểm kém một lần đi, để mà con nhớ”. Susan cười cười, lắc đầu: “Không. Trong gia đình tôi, chúng tôi không làm như vậy. David cần sự giúp đỡ. Nếu lúc đó tôi không bận việc gì thì tôi có thể cũng như lần này đi bộ đến đưa cho nó. Đó là giá trị của gia đình phải không nào?”.
“Tôi thật sự không hiểu nổi, điều đó trái với tất cả những gì tôi biết về dạy con tự lập!”.
Susan giờ mới hiểu ra tại sao tôi cứ hỏi kỹ chuyện mang vở cho David như vậy. Xốc lại chiếc áo khoác, Susan gạt tóc đang bay lòa xòa trước mặt: “Tôi nói đó là “khi tôi rỗi”. Còn nếu tôi cũng đang bận việc của mình, tôi mệt, hoặc trời quá nhiều tuyết, thì tôi sẽ đành phải nói với David rằng: “Mẹ xin lỗi, nhưng hôm nay mẹ cũng đang rất bận việc, không thể tới chỗ con được. Con nói lời xin lỗi cô giáo nhé và xem có thể làm gì để bù đắp không”. Vừa lúc chúng tôi tới trường của David, David chạy xuống các bậc cầu thang, lao ra phía cổng trường. “Cảm ơn mẹ rất nhiều. Con yêu mẹ nhiều” rồi cậu chạy lại vào trong lớp.
Lúc quay đầu về nhà, Susan bảo thêm tôi: “Nếu David quả là có sự lơ đễnh “bác học” và liên tục quên, thì tôi sẽ cùng con ngồi lại xem nguyên nhân vì sao. Có phải vì David cứ đi ngủ trước để đến sáng ra mới cuống cuồng cho sách vở vào cặp không? Hay vì các cuốn vở màu sắc quá giống nhau nên David mang nhầm? Thế thì phải ra Office Depot mua nhãn vở nhiều màu sắc về dán rồi”.
Lúc đó, tôi chợt nhận ra, bà mẹ Mỹ này “cứng tay” hơn tôi tưởng rất nhiều. 
Tôi dám chắc rằng bà luôn để con tự lập, tự thân vận động, chính vì thế mà David rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhưng bà cũng không vì “để con tự lập” mà dằn giọng: “Con phải chịu hậu quả để mà nhớ lấy bài học này”. Nếu bà có thể giúp, bà sẽ giúp. Nếu bà không thể giúp thì bà cũng đành buồn lòng mà nói với David như vậy. Bà không nỗ lực quá đà, bỏ bê công việc của mình hay “hy sinh” lao ra ngoài trời tuyết, nhưng David vẫn biết rằng mẹ quan tâm đến cậu, chỉ có điều trong hoàn cảnh như vậy, mẹ không thể giúp. Cậu bé David có thể hôm đó sẽ phải xin lỗi cô giáo hay bị điểm kém, bên cạnh việc học được bài học về hậu quả của sự đãng trí, cậu cũng vẫn ấm lòng rằng cậu luôn có mẹ, có gia đình ở bên. Cậu bé David luôn được mẹ nhắc đến với bản chất tốt, “ngoan”, “nó cũng không muốn bị quên vở như thế”. Và khi Susan để ý con có thể bị tính “đãng trí” ảnh hưởng quá nhiều, bà sẽ cùng con ngồi thảo luận và tìm ra giải pháp để con không quên nữa.
Cách dạy con của Susan rất khác với sự dạy con tự lập một cách cứng nhắc như là “để nó chịu hậu quả thì nó mới học được”. Nó rất khác với việc “nghĩ hộ con” - hằng ngày đốc thúc, nhắc nhở để con khỏi quên. Nó cũng rất khác với việc hy sinh thân mình để giúp con trong im lặng. Nó cũng rất khác với việc hậm hực giúp con sau một hồi mắng con “cẩu thả”, “ích kỷ”, “dựa dẫm”...
Những gì tôi học được từ Susan thực sự rất ý nghĩa. Nó giải phóng những ông bố bà mẹ như tôi khỏi nỗi sợ “làm hư con”, “nuông chiều con”. Nó nhắc nhở về sự gần gũi, thân mật, hỗ trợ trong gia đình. Hóa ra cách dạy con của người Mỹ có rất nhiều điểm tương đồng với bản tính yêu thương con tự nhiên của người Việt Nam. Dạy con tự lập không có nghĩa là gạt đi tình yêu với con. Mà thực ra họ để con tự lập và vừa yêu thương con, chỉ dẫn con đúng cách. Để làm được như vậy, chính bố mẹ cũng phải hoàn thiện mình, là con người hiểu biết, có đạo đức để có thể hướng dẫn con đúng đắn.
Ở Việt Nam, những người sinh ra ở lứa tuổi 7x, 8x đã quá ngán sự bao bọc của bố mẹ nên khi sinh ra những đứa con đầu tiên, cùng lúc những tư tưởng dạy con tự lập của phương Tây tràn vào, những ông bố bà mẹ trẻ nhanh chóng học hỏi, nhưng do hạn chế thông tin và thực tế nên nhiều người hình thành tư tưởng cực đoan khi dạy con tự lập. Mỗi lần định dạy gì con là rất “rón rén” vì sợ làm con phụ thuộc. Sau một vài lần nhắc nhở là họ phó mặc vào “hậu quả”, hy vọng “hậu quả” sẽ dạy con và làm con thay đổi. Trong khi đó, cái cần làm không đơn thuần là hậu quả, mà là dạy con cách làm, cùng thảo luận với con cách nghĩ, cùng tìm giải pháp... Khi con hay có lựa chọn ăn uống không tốt cho sức khỏe như chỉ thích uống nước ngọt, ăn đồ béo ngậy, thì mẹ không chỉ nói với con “ăn thế thì béo đấy” hay ép con “phải ăn nhiều rau vào” mà có thể cùng con nấu những món ngon bổ dưỡng, cùng học về dinh dưỡng. Khi con lúng túng với khoản tiền đầu tiên và đầu tuần tiêu hết quá nhanh đến cuối tuần không còn lại gì, thay vì chỉ để con tự hiểu được cảm giác bất lực vì không biết quản lý chi tiêu, bố mẹ có thể dẫn cho con xem cuốn sổ ghi chép chi tiêu hằng ngày của gia đình, để con học được cách quản lý tài chính.
Chính cách dạy tưởng chừng như “không để con tự lập” đó lại dạy con để con không chỉ là một người tự lập, mà là một người tự lập thông thái, đầy bản lĩnh và xúc cảm.
Cẩm Nhung

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Cách làm thịt nướng ngon: Vắt cam sành vào thịt!

Dưới đây là những bí quyết khi ướp món thịt nướng hay sườn nướng. Những bí quyết này xin nói thêm là mình học lỏm được của những cửa hàng bán bún thịt nướng nổi tiếng mỗi lần mình đi ăn hàng.
Trước đây, mình rất bồ kết món thịt lợn nướng hoặc sườn nướng. Thế nhưng, nhiều lần mình cũng rất chịu khó làm chiêu đãi cả nhà song chưa lần nào thấy ngon và thật ưng ý. Bởi vì dù có thế nào, món này của mình làm cũng không thấy dậy mùi.
Nhiều lần, mình nghĩ do cách ướp thịt nướng của mình chưa đúng chăng? Hoặc có thể cách nêm nếm gia cị của mình chỉ theo cảm tính và khẩu vị chung của cả nhà. Thế rồi, nhiều lần đi ăn món này ở các quán thịt nướng, sườn nướng, qua để ý người ta làm, mình đã học lỏm được vài tuyệt chiêu sau khiến món thịt nướng nhà mình thơm ngon hẳn lên.
Cho đến nay, vì đã nắm trong tay một số bí quyết nhỏ của món ăn yêu thích này nên mình ướp thịt nướng lần nào là hàng xóm nức mũi luôn. Đặc biệt, nhà mình ai cũng tấm tắc khen ngon. Nhất là con trai nhỏ nhà mình, cháu rất thích ăn thịt mẹ nướng tại nhà. Vì thế, cứ thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần, mình vẫn thường ướp thịt nướng để nướng chiêu đãi cả nhà ăn với bún.
Xin kể sơ qua về công đoạn ướp thịt của mình:
- Chọn thịt: Nên chọn thị ba chỉ hoặc thịt nạc vai.
- Cách ướp thịt: Ướp thịt cùng với một ít riềng củ giã nát (chị em lưu ý không nên dùng riềng xay bán sẵn ngoài chợ vì sẽ không ngon bằng), một ít hành khô đập dập, một chút tiêu xay, một ít mẻ (nếu có), một ít mắm tép và một xíu hạt nêm (do mắm tép đã có đoộ mặn nên chỉ cho một ít để có vị ngọt thôi), thêm chút dầu hào để khi nướng thịt không bị khô.
thịt nướng, thơm ngon
- Thời gian ướp thịt: Dù có vội làm đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng phải ướp thịt trong khoảng 30 phút. Bên cạnh đó, bạn thỉnh thoảng phải chăm đảo đều cho thịt ngấm nhiều gia vị.
- Nướng bằng than hoa: Bạn có thể chuẩn bị than hoa để nướng trong khi chờ đợi thịt ngấm gia vị. Khi nướng chở đều tay để thịt vàng đều và có màu đẹp mắt.
- Bày biện: Khi thịt chín vàng đều, rắc lên đĩa thịt nướng chút tiêu là nức mũi luôn. Sau đó, bạn hãy bày ra đĩa ăn nóng cùng các loại rau thơm.
Trước đây khi ướp thịt, mình chỉ ướp hành tỏi khô băm,ngũ vị hương rất nhanh gọn nhẹ. Sau đó, mình cho vào máy nướng nhưng cũng thấy không thơm và không ngon bằng nướng trên than hoa.
5 bí quyết cho món thịt nướng ngon, thơm và mềm
- Nếu không thích nướng thịt ba chỉ, bạn có thể chọn thịt nạc vai để có ít sớ mỡ vì thịt này nướng ngon hơn do chúng mềm lại không quá mỡ hay quá nạc.
- Muốn thịt thơm và mềm, nếu không vội vàng, bạn hãy ướp thịt để qua đêm, hôm sau nướng hoặc rán đều mềm và thơm phức. Nếu vẫn còn nhiều thời gian, bạn có thể nhé ngăn mát tủ lạnh để hôm sau nướng. Ướp thịt lâu như vậy sẽ rất dậy mùi và thơm ngon.
thịt nướng, thơm ngon 
- Bạn có thể ướp thịt với nước ép hoa quả, ví dụ như lê hoặc táo, cam... vị ngọt thịt cũng vì thế mà tự nhiên và thơm. Đặc biệt ngoài các gia vị cần thiết khác bạn nên vắt nước 1 quả cam sành, bóp nhẹ tay cho vào thịt. Thịt nướng lên sẽ không bị khô và cứng, đảm bảo vắt cam vào thịt nướng sẽ rất mềm.
- Nhiều lúc, không cho nước ép hoa quả vào, mình lại đập 1 quả trứng gà vào trộn với thịt. Cách này cũng khiến thịt nướng khi ăn thơm và mềm hơn hẳn.
- Ngoài ra, khi ướp thịt, bạn cho thêm 1 chút sữa ông thọ, thịt mềm và thơm mà không bị cháy. Chưa kể thịt lại ngọt, vị đậm đà hơn.
Chúc các mẹ thành công!
(Theo PNTD)

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Bài thuốc dân gian trị ho cho trẻ em hiệu quả

Bài thuốc dân gian trị ho cho trẻ em hiệu quả

Hỗn hợp nước vo gạo và rau diếp cá, lá húng chanh, cây xương rồng, quất xanh, trà cam thảo, hoa hồng bạch, lá hẹ chưng đường phèn là những bài thuốc dân gian hay để các bà mẹ điều trị bệnh ho cho con em mình.
Thay đổi thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt bé dễ mắc chứng ho. Bên cạnh các phương pháp Tây y, có những bài thuốc dân gian hiệu quả, trị dứt ho nhanh chóng. 
1. Hỗn hợp nước vo gạo và rau diếp cá
Rau diếp cá và nước vo gạo là vị thuốc quý, lành tính có tác dụng đặc trị ho. Tuy nhiên vì rau diếp có vị tanh nên đa phần bé sẽ không hợp tác với mẹ. Một chiêu nhỏ sẽ giúp các mẹ làm giảm vị tanh của rau diếp chính là đun sôi thì vị tanh kia sẽ mất và rất dễ uống.
Cách thực hiện: Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn. Sau đó, lấy một bát nước vo gạo trộn đều với diếp cá đã giã nhuyễn, đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Cuối cùng, mẹ chỉ cần lọc lấy nước cho bé uống.
Mỗi ngày mẹ cho bé uống khoảng 3 lần. Nên cho bé uống sau mỗi bữa ăn khoảng 1 giờ để thuốc phát huy tác dụng. Lưu ý là khi chữa ho bằng rau diếp cá và nước vo gạo, các mẹ hạn chế cho bé ăn đồ tanh như tôm cua, thịt gà. Thức ăn của bé nên xay nhuyễn để bé dễ nuốt, dễ tiêu, đề phòng gợn cổ khi bé nôn trớ ra đờm. Nên cho bé uống nhiều nước cam hoặc nước chanh. Nếu bé nôn trớ nhiều, bổ sung men tiêu hóa từ sữa chua. Chữa bệnh bằng rau diếp cá rất an toàn và hiệu quả cho bé. Ngoài tác dụng trị ho rau diếp cá còn có tác dụng chữa cảm sốt rất hiệu quả.
2. Lá húng chanh lợi phế, thông cổ
Lá húng chanh có vị hơi chua, the cay, dễ trồng. Lá húng chanh có tác dụng trị đờm, lợi phế, thông cổ.
Cách làm thuốc đơn giản. Các mẹ chỉ cần hái một nắm lá húng chanh, rửa sạch, mang thái nhỏ. Sau đó, cho vào chén, thêm một ít đường phèn hoặc mật ong mang đi hấp cách thủy hoặc cho vào nồi cơm điện hấp. Để nguội rồi cho trẻ uống, mỗi ngày 2 lần.
3. Cây xương sông trị tiêu đờm, viêm thanh quản
Cây xương sông ngoài tác dụng trị cảm sốt thì còn có công dụng tiêu đờm, trị khản tiếng, viêm thanh quản.
Cách thực hiện: Nên sử dụng lá non xương sông non kết hợp với lá hẹ, rửa sạch, thái nhỏ, cho thêm ít đường, hấp cách thủy và trẻ uống nhiều lần trong ngày. Mùi vị cây xương sông rất dễ uống.
4. Quất xanh chữa ho nhiễm lạnh
Dùng quất xanh hấp đường phèn hoặc mật ong sẽ có tác dụng chữa ho do nhiễm lạnh.
Cách thực hiện: 2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày. Đối với hạt của quất xanh các mẹ không nên bỏ đi vì nó có tác dụng làm tiêu đờm và ấm thanh quản khi trẻ bị ho. Mùi vị quất có thể hơi khó uống đối với trẻ nên khi cho trẻ uống có thể cho thêm ít đường.
5. Trà cam thảo dịu cổ họng
Cam thảo có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu cổ họng. Trà cam thảo có vị ngọt, nên mẹ yên tâm khi cho trẻ uống, kể cả trẻ sơ sinh. Loại trà này sẽ giúp cơ thể trẻ ấm hơn và dịu họng hơn.
6. Hoa hồng bạch chữa ho hiệu quả
Lấy cánh hoa hồng bạch rửa sạch trộn với một ít đường phèn, cộng với một ít nước lọc, đem hấp cách thủy. Cho bé uống mỗi lần 1 thìa, mỗi ngày từ 3 đến 4 lần.
hong-bach-5529-1397347699.jpg
Ảnh: mooseyscountrygarden.com
7. Trị ho bằng lá hẹ và đường phèn
Chọn khoảng 5-10 lá hẹ và một ít đường phèn. Tất cả cho vào bát, rồi mang hấp cách thủy. Sau đó bỏ xác lấy nước cho bé uống. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa. Cách này được các mẹ hay dùng vì khá đơn giản và hiệu quả. 
Minh Tâm

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Dạy con biết nhai và tự xúc ăn siêu như mẹ Việt ở Pháp

Mặc dù chưa tròn 1 tuổi nhưng Áo Hồng đã biết tự xúc ăn và nhai rất siêu. Tất cả bí quyết của mẹ Áo Hồng là: đừng quan tâm đến con quá!

Chào chị, chị nổi tiếng trên cộng đồng mạng Facebook với những công thức nấu ăn dặm cho con được nhiều mẹ rất ngưỡng mộ. Chị học được những bí quyết nấu ăn cho bé này từ đâu?
- Chào em, cảm ơn em đã quan tâm đến các món ăn chị nấu cho con gái chị. Nhưng chị không nổi tiếng đâu em, chị cũng như những người mẹ khác. Thích chia sẻ các món ăn lên Facebook để cho các mẹ có thể trao đổi học hỏi, thay đổi món ăn cho con thôi. Nghe em nói có nhiều mẹ ngưỡng mộ làm chị ngại quá! (Cười)
Chị mới làm mẹ lần đầu nên cũng còn vụng về nhiều lắm. Những kiến thức cơ bản về nấu ăn dặm cho bé chị được các bác sĩ dinh dưỡng nhi bên này hướng dẫn cơ bản, còn lại tự mình gia giảm.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Những công thức nấu ăn dặm cho con do mẹ Áo Hồng chia sẻ được các mẹ rất thích.
Là một mẹ Việt sống và nuôi con ở Pháp, chị có thể chia sẻ với các mẹ ở Việt Nam cách mà các bà mẹ Pháp cho con ăn dặm?
Ở thành phố chị sống rất ít người Việt, nên chị cũng không biết rõ sự khác biệt giữa cách chăm sóc con của người Việt mình với người Pháp.
Profile:

Nick name của mẹ: Ba Lúa

Tên con: Lan Phương, nick name: Áo Hồng

Hiện tại gia đình đang sống ở Cannes (Pháp)
Nhưng ở Pháp nói chung, và Cannes - nơi chị sống nói riêng nếu trẻ được sinh vào khoảng tuần thứ 38 thì được gọi là sinh đủ tháng. Với những trẻ này bác sĩ nhi khuyên vào giai đoạn tròn 4 tháng bé có thể làm quen với những thức ăn khác ngoài sữa, hay còn gọi là ăn dặm.
Ở Pháp ăn dặm bước đầu tiên là rau củ, trái cây rồi từ từ mới đến tinh bột (mì, gạo...) và đạm (thịt/cá...). Ban đầu khi tập ăn cũng không cần ăn quá loãng và tăng độ thô của thức ăn lên từ từ theo từng tháng. Và khi trẻ tròn 1 tuổi là các mẹ có thể cho ăn được những thức ăn gần như của người lớn như mì, nui, cơm…
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Áo Hồng rất hào hứng với mỗi bữa ăn.
Chị áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho Áo Hồng? Có nguyên tắc nào trong việc chế biến và cho con ăn dặm chị muốn chia sẻ với các mẹ ở Việt Nam?
Chị cũng không áp dụng triệt để theo phương pháp nào cả, nhưng nếu so ra có lẽ chị hơi nghiêng về cách hướng dẫn của bác sĩ ở đây. Tức là trong thực đơn của con lượng rau củ, trái cây sẽ ưu tiên hơn là tinh bột và đạm…. Còn về cách cho con ăn thì có lúc chị cho Áo Hồng tự ăn (ăn bốc); có khi lại xay thức ăn ra thành soup; có khi để nguyên sợi mì, nui; có khi cho con tự cầm thìa và tự cầm bình, ly uống nước từ rất sớm. Nói chung tùy bữa ăn, hoàn cảnh mà áp dụng cách cho con ăn. Có những hôm ở nhà rảnh rỗi thì chị nấu, còn hôm nào bận thì cho ăn đồ hộp mua sẵn hoặc cho ăn qua loa, bánh mì hay nui cũng xong bữa.
Cá nhân chị nghĩ và thấy các mẹ bên này rất quan tâm đến chuyện ăn uống của con nhưng không quá quan trọng nó. Thỉnh thoảng để cho trẻ đói một chút, bỏ một bữa hay ăn qua loa một tí cũng tốt vì như thế bé mới biết cảm giác đói và đến lúc ăn mới ngon miệng.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Áo Hồng được mẹ tập cho ăn bắp ngô từ khi chưa... mọc răng. Và quan điểm của mẹ Áo Hồng khi cho con ăn là: Muốn con biết tự xúc ăn, hãy... mặc kệ
Áo Hồng biết nhai và tự xúc từ khi chưa tròn 1 tuổi. Chị có bí quyết gì để rèn cho bé ăn "siêu" như vậy?
(Cười). Nghe em nhắc vụ tự xúc ăn và biết nhai sớm chị mới ngồi lại và để ý. Không siêu đâu em, chị hay tạo điều kiện để cho con tự xúc ăn vì mình còn phải nấu nướng hay làm việc gì đó khác. Cứ đến giờ ăn là chị cho con ngồi ghế ăn, mẹ bỏ đi rửa chén bát hoặc dọn dẹp nhà cửa, con cứ ngồi đó và từ từ tự cầm thìa xúc ăn. Dần dần Áo Hồng tự biết xúc ăn lúc nào không biết. Hoặc cũng có thể do Áo Hồng tập cầm nắm thức ăn từ sớm nên dễ cầm thìa cũng nên.
Chị Ba Lúa chia sẻ: "Món cho con tự cầm ăn nhiều nhất đó là bánh mì, và tập ăn từ khi 4-5 tháng tuổi. Áo Hồng cầm bánh cho vào miệng gặm ướt và nuốt".
Thời gian đầu khi tập ăn một mình con cũng làm vơi rớt tứ tung. Khi Áo Hồng gần 6 tháng tuổi, chuẩn bị mọc răng nên muốn ăn đồ cứng, chị đã cho con cái cắp ngô ngồi tự gặm rồi. Con ăn rơi rớt lung tung, dính lên cả đầu tóc. Rồi những món khác như bông cải xanh, hay cơm hạt thì dính đầy người. Còn khi bắt đầu tự cầm thìa thì xúc được thức ăn vào thìa, kê chưa đến miệng thì đã rớt xuống nền nhà.
Cái được gọi là bí quyết để con biết nhai sớm có lẽ chị ít cho ăn cháo trong khẩu phần của con hàng ngày và tăng độ thô kịp thời nên Áo Hồng biết nhai rất sớm. Dưới đây là những cách chị hay làm:
- Khi con mới tập ăn dặm, những bữa ra ngoài chơi chị luôn mang theo bánh quy hay mẩu bánh mì. Khi đó Áo Hồng chưa có răng và hầu như các trẻ bắt đầu cứng nướu và muốn nhai vật gì đó cứng. Bánh mì, bánh quy hay quả táo là thực phẩm dễ ăn nhất. Bánh mì chị không xé nhỏ mà để cả miêng to, con khi đó tay còn vụng lắm, chỉ quơ quơ và đưa vào miệng chưa chuẩn nên bánh to sẽ dễ hơn cho bé. Cũng như không sợ con nuốt một lần hết một miếng to. Bánh quy cũng vậy, chị chọn bánh cứng vừa, khi ngậm vào nước bọt sẽ làm bánh tan từ từ và khi còn mẫu nhỏ, con sẽ dùng nướu cắn gãy phần đó rồi nhấm nháp và nuốt. Táo hay lê thì cho 1/4 quả cho nhẹ, con dễ cầm và không sợ bị hóc so với từng mẫu nhỏ như ngón tay.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Một bữa tự ăn của Áo Hồng. Cô bé cứ hì hụi xử lý khẩu phần ăn của mình dưới sự quan sát từ xa của mẹ.
- Ý kiến riêng của chị về vấn đề tập nhai thì đơn giản. Các mẹ đừng quá lo lắng con sẽ hóc mà không cho con thử các món mới. Các mẹ có thể cho con ăn táo, ổi, lê... cả miếng (chắc chỉ có mẹ mìn như mình mới làm điều này); bánh mì, bánh quy… là các món cứng thì con sẽ có phản xạ nhai. Có thể ban đầu sẽ nhả ra nhưng vài lần con sẽ tự xử lý được thức ăn thô một cách dễ dàng.
- Mẹ có thể nấu các món như: khoai tây cắt vuông cờ, ghim vào nĩa nhỏ cho con tự cầm. Con sẽ thích thú ăn. Nếu bé lớn, thì chọn chén dĩa đẹp, bắt mắt cho bé thích.
- Phần quan trọng hơn là nên tập cho trẻ thói quen ăn trên bàn ăn cùng cả nhà. Con sẽ nhìn và tự làm theo như người lớn.
Chị tự nhận mình là một bà mẹ không đảm đang, cũng không siêng năng. Có hôm chị bỏ rất nhiều công sức chế biến đồ ăn cho con, có hôm chị cho Áo Hồng ăn đồ hộp, thậm chí có bữa còn cho nhịn... nhưng trộm vía Áo Hồng phát triển vẫn khá tốt. Phải chăng đây là phương pháp chăm con mà vẫn nhàn của chị?
Nói ra thì ngại, chứ nhà chị luôn có vài hộp đồ ăn sẵn trong bếp, phòng khi nào bận quá hay hôm đó lười không muốn nấu thì chỉ cần lấy đồ hộp ra cho con ăn, mẹ rảnh tay làm việc khác. Trộm vía Áo Hồng dễ ăn nên đồ hộp vẫn ăn ngon lành.
Còn có hôm nào chăm thì nấu nhiều món ăn, chụp ảnh làm kỉ niệm cũng như ghi lại món hôm đó con ăn có ngon hay không để lần sau nấu lại món đó.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Khẩu phần ăn một bữa trưa của Áo Hồng được mẹ chuẩn bị khá đẹp mắt.
Áo Hồng từ bé đã bị “bỏ bê” vì chỉ có một mình chị chăm là chủ yếu còn ba phải đi làm, nên nhiều khi tự ăn, tự ngủ và tự chơi khi mẹ bận nấu ăn, tắm giặt hay dọn dẹp nhà cửa. Con cũng thích ra ngoài chơi nên chị thường tranh thủ thời gian sáng cho con ra công viên chơi một lát. Gặp bạn bè ở công viên dần con dạn lắm. Chiều mùa hè thì hay cho con ra biển chơi, con rất thích.
Chị không quá khắt khe chuyện ăn ngủ hay chơi của con. Nắng hay lạnh gì cũng tranh thủ cho con ra ngoài hít thở không khí ngoài trời. Có hôm con cũng không ngủ trưa hay ăn trưa vì mê chơi với bạn, chị cũng để con chơi. Bữa sau bù vào cũng được.
mẹ, dạy con, bí quyết, chăm con
Gần 2 tuổi, Áo Hồng đã có thể ăn cơm như người lớn.
Chuyện ăn chị cũng không ép vì chị nghĩ trẻ con cũng như người lớn, có hôm chán ăn hay có thời kỳ chán ăn nên con ăn ít đi. Miễn sao con khỏe, không có dấu hiệu bệnh là được.
Cũng vì chuyện quá dễ dãi trong việc ăn, ngủ của con mà khi về thăm ông bà ở Việt Nam, chị luôn bị ông bà mắng vì sao không ép con ăn nhiều vào cho con béo lên, cứ cho con chơi ngày đêm đến khi nào con đói, đòi ăn mới cho ăn hay buồn ngủ thì tự chạy vào phòng leo lên giường mà ngủ. Chắc nhiều mẹ ở Việt Nam cũng hay gặp phải vấn đề này, nhưng chị nghĩ những người làm mẹ thì nên tôn trọng con, tôn trọng ngay cả trong việc ăn uống.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
(Theo Pháp Luật Xã Hội)

Mẹ Đức dạy con: Không chê được điểm nào

Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng.


Mỗi đất nước có phong tục tập quán riêng biệt khác nhau, nên việc dạy dỗ trẻ em cũng khác nhau. Qua kinh nghiệm riêng của tôi và những gì tôi học được, xin giới thiệu đến các bạn một vài nét khác biệt trong việc dạy dỗ con cái của người Đức.
1. Giới hạn đầu tiên
Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng. Từ vựng mà các bé thực sự hiểu được đầu tiên đó là từ "Không". Vì vậy, khi nói "Không" với bé, mẹ nói nghiêm túc, rõ ràng để bé hiểu được đúng nghĩa của từ này, sau đó tại sao bé "Không" được phép làm. Bé chưa hiểu gì nhiều nhưng từ "Không" được lặp đi lặp lại nhiều lần bé sẽ quen, bộ nhớ của trẻ như một cái tủ rỗng, từ "Không" là thứ đồ đạc đầu tiên được đặt vào. Nên các bạn thấy, trẻ em phương Tây chơi chung với bạn rất tự giác và độc lập, chỉ cần nghe mẹ nói "Không" là bé tự ý biết mình không được phép làm việc đó.
Đối với trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành tính cách cá nhân nên chúng có lý lẽ của chúng để tránh từ "Không" của bố mẹ. Trong trường hợp này cần đến đàm phán và thương lượng. Mẹ nên giải thích lý do tại sao một cách cặn kẽ cho bé, vì dù sao bé cũng nên biết cái vạch giới hạn của bố mẹ đề ra. Đặc biệt khi mẹ nói "Không" thì bố cũng phải đồng tình và ngược lại, vì bé sẽ cầu cứu người thứ ba. Để cho bé biết rằng điều đó được sự nhất trí của bố mẹ thì bố mẹ phải phối hợp ăn ý, khi không cầu cứu ai được nữa bé sẽ hiểu: À, mình "Không" được phép làm thật rồi.
Phương châm của các bậc cha mẹ người Đức là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói "Không".
mẹ và bé, nuôi con, dạy con
Dạy con từ thuở còn thơ - câu tục ngữ này không sai chút nào (Ảnh minh họa).
2. Rèn luyện tính tự lập
Ở Việt Nam, các mẹ gặp nhau câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: "Cháu bao nhiêu cân?"; "Cháu làm được những gì rồi"…Ngược lại hoàn toàn với người Đức, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách riêng của chúng vì thế đừng đem con mình ra so sánh với những trẻ khác. Vừa làm cho bố mẹ thêm suy nghĩ mà làm như vậy là bất công đối với con, khiến cho trẻ cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè. Trong tầm tuổi này trẻ con vẫn chơi nhiều hơn học nên hãy để chúng tiếp xúc với thiên nhiên hoa lá con vật nhiều hơn với chữ, số. Có thể bé biết nhặt nhạnh từng hòn đá, lá cây, con ốc sên từ những chuyến đi rừng hay vào nông trại. Học từ thiên nhiên là bài học hữu hiệu nhất và mang lại hiệu quả nhất cho các bé. Vừa học vừa chơi, tạo cho bé tinh thần thoải mái phấn chấn khiến cho bé ăn ngon hơn ngủ tốt hơn. Nhiều trẻ em ở Việt Nam ở trường học rất giỏi nhưng khi bước ra ngoài đời thì không có kiến thức thực tế.
Đối với người Đức, trẻ em cần được học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ việc nhỏ nhất. Ví dụ, khi mẹ làm cái gì nên cho bé đứng hay ngồi bên cạnh xem cùng hoặc hướng dẫn cho bé làm cùng, đừng nói “Con không được sờ vào, để mẹ làm một loáng cho nhanh”. Mẹ làm thì nhanh thật nhưng bé sẽ không học được gì nếu bố mẹ cứ làm hộ mãi. Khi nấu cơm hãy cho bé đong gạo, giặt quần áo hãy để bé tự cho quần áo của nó vào máy giặt. Dọn nhà hãy đưa cho bé một cái khăn và khoanh vùng, đây là vùng của con. Đặc biệt rác phải được bỏ vào thùng rác. Trẻ em học rất nhanh và nhớ lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau bé sẽ nhớ và tự ý thức được việc đó phải làm như thế nào.
Riêng khoản ăn uống là cả vấn đề cần bàn đến. Ngay từ khi bé biết ngồi ta nên tập cho bé ngồi vào bàn ăn cùng với bố mẹ. Phải đợi cho khi mọi người đầy đủ mới được ăn và chỉ được phép rời bàn ăn khi mọi người ăn xong xuôi (không tính trường hợp phải đi vệ sinh) Không nên vác bát đi khắp xóm hoặc cầm nắm cơm vừa chạy vừa hò hét xung quanh mâm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nên thay vì để radio thì hãy đọc cho con nghe một câu chuyện nhẹ nhàng, hỏi bé đủ chuyện trên trời dưới biển. Hôm nay làm những cái gì, ở lớp ra sao, vân vân. Việc này tạo thói quen cho bé nói ra những suy nghĩ của mình, giúp các mẹ sau này rất nhiều khi các bé ở độ tuổi vị thành niên. Chúng sẽ coi bố mẹ như một người bạn mà dốc bầu tâm sự.
3. Tình cảm và cách ứng xử trong gia đình
Cách thể hiện tình cảm của người phương Tây bộc lộ rõ rệt, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận tình cảm của trẻ. Hàng ngày bé nghe những lời quan tâm chăm sóc của bố mẹ dành cho nhau, bé cảm nhận bố mẹ yêu thương nhau. Ví dụ bố hỏi mẹ: "Em yêu, em có khoẻ không?“. Ngay ngày hôm sau bé cũng hỏi mẹ: "Mẹ yêu, mẹ có khoẻ không?". Khỏi phải diễn tả cảm giác của mẹ lúc ấy thế nào, mẹ quá sung sướng ôm con rồi nói "Mẹ khoẻ, cám ơn con".
Ngôn ngữ phương Tây có phần khách sáo hơn ngôn ngữ tiếng Việt cho nên trẻ con phương Tây có một phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc từ khi còn bé vì chúng đã được rèn luyện từ ngay trong gia đình. Các ông bố Việt Nam hay nói đàn ông thương vợ thương con giấu kín trong lòng, không ruột để ngoài da như các mẹ, nên trong gia đình ít khi có những lời yêu thương ngọt ngào giữa bố và mẹ. Nên các bé trai cũng học theo cách "giấu kín trong lòng", sau này chúng rất khó tìm cách thể hiện tình cảm của mình đối với bạn bè và người thân. Đặc biệt, "cám ơn, xin lỗi, làm ơn" là những từ bé được học từ khi lọt lòng.
4. Trẻ con và tiền
Nhiều người cho rằng không nên cho trẻ con tiêu tiền sớm, vì tiền thúc giục bản năng xấu xa của con người. Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Mỗi khi cho con đi mua đồ cùng, bé được phép chọn đồ và khi mẹ nói không được, cái này đắt quá, con chọn thứ khác đi, thứ nào rẻ hơn ấy. Lúc đầu bé không làm theo mà nằm ra đất khóc ăn vạ. Mẹ mặc kệ đẩy xe đi, bé khóc chán thì đứng lên chạy theo mẹ, nhiều lần như thế sẽ quen, để làm được việc này người mẹ cần phải rất kiên nhẫn.
Mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo "Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp". Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: À ha, phải trả tiền trước khi mang đồ đi. Phải cho trẻ biết giá của đồ vật ấy là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không. Không dạy cho trẻ cách "Có tiền ta mua được tất cả", hoặc chúng đòi cái gì cũng mua với ý nghĩ con mình không thua con hàng xóm được. Điều ấy tạo cho trẻ sớm có tính đua đòi, tồi tệ nhất sẽ dẫn đến ăn cắp. Trong một đám bạn chơi chung, nhưng khi ra về đồ chơi của bạn nào được trả về đúng cho bạn đó.
Bố mẹ nên coi con cái như những người thầy dạy mình bước vào một thế giới khác. Trong thế giới ấy, bố mẹ cũng phải đắn đo suy nghĩ trước một quyết định nào đó.
Sách tham khảo: Làm dâu nước Đức (Tác giả: Phan Hà Anh)
(Theo Khampha.vn)