Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Chuyên gia Harvard tiết lộ cách dạy con

Theo Richard Weissbourd, một chuyên gia tâm lý của Đại học Harvard thì điều quan trọng khi nuôi dạy con trẻ không phải là cố ép chúng trở thành thiên tài mà phải dạy được chúng cách sống "tử tế, nhân hậu".
Harvard, dạy con, phụ huynh
Một cuộc thăm dò do Weissbourd tiến hành mới đây đã cho thấy các bậc phụ huynh bị ám ảnh bởi thành tích học tập của con cái hơn là về tình cảm, tính cách của chúng. Tỷ lệ phụ huynh cảm thấy tự hào nếu điểm số ở lớp của con mình cao hơn các bạn cùng lớp nhiều gấp 3 lần so với những người hạnh phúc khi con mình tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chăm sóc cộng đồng do trường tổ chức.
Chính vì thế, Weissbourd đã đưa ra những khuyến nghị về cách nuôi dạy trẻ để chúng trở thành những người "biết quan tâm, tôn trọng người khác và sống có trách nhiệm" khi trưởng thành. Bạn tự hỏi tại sao những phẩm chất này lại quan trọng? "Đó là vì nếu như muốn con bạn trở thành người tốt, bạn cần phải nuôi dạy chúng như vậy".
"Nhân chi sơ tính bản thiện. Một đứa trẻ ra đời chưa biết thế nào là tốt hay xấu, do đó, chúng ta không bao giờ được phép định kiến hay dễ dàng bỏ cuộc. Chúng cần sự giúp đỡ của người lớn để biết cách quan tâm, yêu thương người khác, sống trách nhiệm với cộng đồng dù ở bất cứ lứa tuổi nào".
Dưới đây là 5 bí quyết để nuôi dạy trẻ theo hướng như vậy, theo lời Weissbourd.
1. Luôn đặt việc quan tâm tới người khác lên hàng đầu
Vì sao? Các bậc cha mẹ thường có xu hướng coi trọng thành tích học tập cũng như niềm vui của con mình hơn là cách sống "vì người khác". Nhưng trẻ em cần phải học được cách cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của người khác, dù cho đó là cho bạn mượn quả bóng hay là đứng ra bảo vệ một người bạn bị bắt nạt.
Bằng cách nào? Trẻ cần được bố mẹ dạy dỗ thường xuyên rằng: luôn phải quan tâm đến người khác. Hãy luôn nhắc nhở trẻ về sự "cam kết", kể cả khi trẻ không vui về điều đó. Lấy thí dụ, trước khi con bạn muốn bỏ đội bóng, ban nhạc hay nghỉ chơi với một bạn nào đó, chúng ta nên hỏi trẻ rằng chúng đã cân nhắc xem quyết định đó có ảnh hưởng đến tập thể và các bạn hay không. Cũng đừng quyên khuyến khích trẻ nghĩ cách giải quyết vấn đề trước khi từ bỏ.
Hãy thử:
• Thay vì nói: "Điều quan trọng nhất là con thấy vui", hãy nói với chúng: "Điều quan trọng nhất là con sống có trách nhiệm".
• Hãy đảm bảo rằng những đứa trẻ lớn luôn đối xử với em bé hơn một cách tôn trọng, kể cả khi chúng đang mệt hay bực tức.
• Nhấn mạnh vào sự yêu thương khi trò chuyện cùng những người lớn khác có vị trí quan trọng trong cuộc sống của trẻ, thí dụ như hãy hỏi giáo viên của trẻ rằng ở trường, trẻ có đối xử tốt với bạn hay không.
2. Luôn tạo cơ hội để trẻ tập quan tâm, chăm sóc người khác
Vì sao? Không bao giờ là quá muộn để trở thành người tốt, nhưng không có sự hướng dẫn, dìu dắt của người lớn, trẻ sẽ không thể tự mình trưởng thành được. Chúng cần được thực hành thường xuyên việc quan tâm, chăm sóc người khác, cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với những ai yêu thương, quan tâm tới chúng. Các nghiên cứu đã cho thấy những ai có thói quen bày tỏ sự biết ơn cũng có xu hướng hào hiệp, tận tâm, vị tha hơn. Khả năng họ sống khỏe mạnh, hạnh phúc cũng cao hơn so với những người sống chỉ biết mình.
Bằng cách nào? Học cách yêu thương, chăm sóc người khác cũng giống như học chơi một môn thể thao/chơi một nhạc cụ vậy. Phải thực hành mỗi ngày, lặp đi lặp lại. Dù là giúp bạn làm bài tập về nhà hay đỡ người già qua đường. Hãy biến sự quan tâm thành bản năng ở trẻ.
Hãy thử:
- Không thưởng quà cho trẻ cứ mỗi khi trẻ giúp bố mẹ việc nhà (như lau bàn ăn chẳng hạn). Nên để trẻ hiểu việc đỡ đần bố mẹ, anh chị em, hàng xóm là việc hết sức bình thường. Chỉ khen ngợi, thưởng quà cho những hành vi tốt "bất thường" mà thôi.
- Hãy trò chuyện với trẻ về những hành vi thờ ơ và quan tâm trên truyền hình, về sự công bằng hoặc bất công mà trẻ chứng kiến trong đời thực hay nghe trên bản tin.
- Hãy dạy trẻ dành một phút biết ơn mọi người trước bữa ăn, trước khi đi ngủ... Sẵn sàng nói lời cảm ơn với người khác.
3. Mở rộng mối quan tâm của trẻ
Vì sao? Hầu hết trẻ em chỉ quan tâm đến bạn bè và gia đình của chúng. Thách thức của chúng ta là phải giúp chúng vượt ra khỏi vòng tròn nhỏ hẹp đó.
Bằng cách nào? Trẻ cần được học cách lắng nghe và chú ý đến những nhân tố mới xuất hiện trong cuộc sống của chúng, để ý đến những người yếu đuối, cần sự giúp đỡ.
Hãy thử:
- Hãy dạy trẻ luôn thân thiện và tử tế với những người mới gặp, kể cả khi đó chỉ là một chú tài xế xe buýt hay một cô phục vụ bàn.
- Khuyến khích trẻ quan tâm đến những người yếu đuối, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi giúp đỡ người khác.
- Sử dụng một tờ báo hoặc mẩu tin trên TV để khuyến khích trẻ nghĩ về những khó khăn mà trẻ em ở các nước nghèo đang gặp phải.
4. Hãy là tấm gương lớn nhất cho trẻ
Vì sao? Trẻ sẽ học các giá trị đạo đức bằng cách quan sát hành động của những người thân thiết nhất với chúng. Bạn không thể mong chúng cư xử tốt với một người nếu bản thân bạn luôn tỏ ra hằn học, ghét bỏ người đó.
Bằng cách nào? Bạn phải thành thật, công bằng với trẻ và luôn quan tâm đến người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải cố làm người hoàn hảo. Để trẻ tôn trọng và tin tưởng chúng ta, các bậc phụ huynh cần biết thừa nhận sai lầm và điểm yếu của mình trước trẻ. Bạn cũng cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của chúng.
Hãy thử:
- Hãy tham gia các hoạt động cộng đồng ít nhất 1 lần/tháng và rủ cả gia đình dự cùng.
- Hãy hỏi trẻ về những tình huống khó xử mà chúng gặp phải trong ngày khi cả nhà đang ăn tối cùng nhau, giúp trẻ tìm ra cách giải quyết những tình huống đó.
5. Hướng dẫn trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực
Vì sao? Thường thì khả năng quan tâm tới người khác luôn bị lấn át bởi sự giận dữ, xấu hổ, ghen tỵ hoặc vô số cảm xúc tiêu cực khác.
Bằng cách nào? Chúng ta cần dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều là bình thường, nhưng trẻ cần học cách tiết chế những cảm xúc tiêu cực.
Hãy thử: Đây là một cách đơn giản để trẻ bình tĩnh trở lại: Hãy yêu cầu trẻ dừng lại, hít thở thật sâu qua đường mũi rồi thở ra đường miệng. Sau đó đếm đến 5. Hãy tập luyện việc này cùng trẻ khi trẻ đang bình tĩnh. Sau đó, bất cứ khi nào thấy trẻ bực bội, giận dữ, hay nhắc trẻ nhớ các bước nói trên và làm việc đó cùng trẻ. Một lúc sau, khi trẻ đã giảm xúc động, hãy để trẻ có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình một cách bình tĩnh hơn.
Y Lam

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Dạy con tự lập



Susan là bạn của gia đình tôi ở Mỹ. Có một thời gian quá bận rộn, Susan nhờ tôi chở con trai bà, David, tới lớp tennis. Những lần tiếp xúc ngắn chỉ 20 phút lái xe chở David tới trung tâm tennis, tôi rất ngạc nhiên vì cậu bé 10 tuổi này ăn nói chững chạc, chào hỏi, cảm ơn, hỏi tôi nhiều chuyện và có những quan điểm riêng mà cậu ấy không ngại ngần bộc lộ, khi chia sẻ về các môn học hay về các nước cậu ấy đã đi qua.
Một lần tôi tới chơi nhà Susan, đang ngồi nói chuyện thì Susan có điện thoại. “David để quên cuốn vở bài tập ở nhà. Nó nhờ tôi mang tới trường cho nó”. Rồi Susan hỏi tôi có muốn cùng bà đi bộ tới trường của David không. “Trường cách đây bao xa?”, tôi hỏi. “Đi bộ mất khoảng 20 phút”.
Trên đường đi, tôi hỏi Susan: “Tôi chắc chắn rằng David là một đứa bé rất tự tin và tự lập. Nhưng bà có nghĩ rằng giúp đỡ nó như thế này thì có chiều nó quá không?”. Susan trả lời: “David là một đứa trẻ ngoan. Hôm nay nó quên cuốn vở, tôi cũng đang rỗi rãi thì tôi sẽ mang tới cho nó”. “Nhưng bà có nghĩ rằng làm như vậy nó sẽ ỷ lại không?” “Không, chúng ta ai chẳng có lần quên cái này cái kia. Tôi dám chắc rằng David chẳng muốn bị quên vở tí nào”.
“Nhưng nếu nó không chỉ quên lần này, mà còn quên thêm hai, ba lần nữa thì sao? Liệu bà còn mang vở đến cho nó không?” “Nếu lúc đó tôi rỗi, thì tôi vẫn có thể mang tới cho nó”. “Tôi không hiểu. Sao bà không dạy David một bài học, nói rằng: “Đây là lần thứ ba con quên vở rồi. Mẹ không thể lần nào cũng mang đến cho con. Con chịu khó bị điểm kém một lần đi, để mà con nhớ”. Susan cười cười, lắc đầu: “Không. Trong gia đình tôi, chúng tôi không làm như vậy. David cần sự giúp đỡ. Nếu lúc đó tôi không bận việc gì thì tôi có thể cũng như lần này đi bộ đến đưa cho nó. Đó là giá trị của gia đình phải không nào?”.
“Tôi thật sự không hiểu nổi, điều đó trái với tất cả những gì tôi biết về dạy con tự lập!”.
Susan giờ mới hiểu ra tại sao tôi cứ hỏi kỹ chuyện mang vở cho David như vậy. Xốc lại chiếc áo khoác, Susan gạt tóc đang bay lòa xòa trước mặt: “Tôi nói đó là “khi tôi rỗi”. Còn nếu tôi cũng đang bận việc của mình, tôi mệt, hoặc trời quá nhiều tuyết, thì tôi sẽ đành phải nói với David rằng: “Mẹ xin lỗi, nhưng hôm nay mẹ cũng đang rất bận việc, không thể tới chỗ con được. Con nói lời xin lỗi cô giáo nhé và xem có thể làm gì để bù đắp không”. Vừa lúc chúng tôi tới trường của David, David chạy xuống các bậc cầu thang, lao ra phía cổng trường. “Cảm ơn mẹ rất nhiều. Con yêu mẹ nhiều” rồi cậu chạy lại vào trong lớp.
Lúc quay đầu về nhà, Susan bảo thêm tôi: “Nếu David quả là có sự lơ đễnh “bác học” và liên tục quên, thì tôi sẽ cùng con ngồi lại xem nguyên nhân vì sao. Có phải vì David cứ đi ngủ trước để đến sáng ra mới cuống cuồng cho sách vở vào cặp không? Hay vì các cuốn vở màu sắc quá giống nhau nên David mang nhầm? Thế thì phải ra Office Depot mua nhãn vở nhiều màu sắc về dán rồi”.
Lúc đó, tôi chợt nhận ra, bà mẹ Mỹ này “cứng tay” hơn tôi tưởng rất nhiều. 
Tôi dám chắc rằng bà luôn để con tự lập, tự thân vận động, chính vì thế mà David rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhưng bà cũng không vì “để con tự lập” mà dằn giọng: “Con phải chịu hậu quả để mà nhớ lấy bài học này”. Nếu bà có thể giúp, bà sẽ giúp. Nếu bà không thể giúp thì bà cũng đành buồn lòng mà nói với David như vậy. Bà không nỗ lực quá đà, bỏ bê công việc của mình hay “hy sinh” lao ra ngoài trời tuyết, nhưng David vẫn biết rằng mẹ quan tâm đến cậu, chỉ có điều trong hoàn cảnh như vậy, mẹ không thể giúp. Cậu bé David có thể hôm đó sẽ phải xin lỗi cô giáo hay bị điểm kém, bên cạnh việc học được bài học về hậu quả của sự đãng trí, cậu cũng vẫn ấm lòng rằng cậu luôn có mẹ, có gia đình ở bên. Cậu bé David luôn được mẹ nhắc đến với bản chất tốt, “ngoan”, “nó cũng không muốn bị quên vở như thế”. Và khi Susan để ý con có thể bị tính “đãng trí” ảnh hưởng quá nhiều, bà sẽ cùng con ngồi thảo luận và tìm ra giải pháp để con không quên nữa.
Cách dạy con của Susan rất khác với sự dạy con tự lập một cách cứng nhắc như là “để nó chịu hậu quả thì nó mới học được”. Nó rất khác với việc “nghĩ hộ con” - hằng ngày đốc thúc, nhắc nhở để con khỏi quên. Nó cũng rất khác với việc hy sinh thân mình để giúp con trong im lặng. Nó cũng rất khác với việc hậm hực giúp con sau một hồi mắng con “cẩu thả”, “ích kỷ”, “dựa dẫm”...
Những gì tôi học được từ Susan thực sự rất ý nghĩa. Nó giải phóng những ông bố bà mẹ như tôi khỏi nỗi sợ “làm hư con”, “nuông chiều con”. Nó nhắc nhở về sự gần gũi, thân mật, hỗ trợ trong gia đình. Hóa ra cách dạy con của người Mỹ có rất nhiều điểm tương đồng với bản tính yêu thương con tự nhiên của người Việt Nam. Dạy con tự lập không có nghĩa là gạt đi tình yêu với con. Mà thực ra họ để con tự lập và vừa yêu thương con, chỉ dẫn con đúng cách. Để làm được như vậy, chính bố mẹ cũng phải hoàn thiện mình, là con người hiểu biết, có đạo đức để có thể hướng dẫn con đúng đắn.
Ở Việt Nam, những người sinh ra ở lứa tuổi 7x, 8x đã quá ngán sự bao bọc của bố mẹ nên khi sinh ra những đứa con đầu tiên, cùng lúc những tư tưởng dạy con tự lập của phương Tây tràn vào, những ông bố bà mẹ trẻ nhanh chóng học hỏi, nhưng do hạn chế thông tin và thực tế nên nhiều người hình thành tư tưởng cực đoan khi dạy con tự lập. Mỗi lần định dạy gì con là rất “rón rén” vì sợ làm con phụ thuộc. Sau một vài lần nhắc nhở là họ phó mặc vào “hậu quả”, hy vọng “hậu quả” sẽ dạy con và làm con thay đổi. Trong khi đó, cái cần làm không đơn thuần là hậu quả, mà là dạy con cách làm, cùng thảo luận với con cách nghĩ, cùng tìm giải pháp... Khi con hay có lựa chọn ăn uống không tốt cho sức khỏe như chỉ thích uống nước ngọt, ăn đồ béo ngậy, thì mẹ không chỉ nói với con “ăn thế thì béo đấy” hay ép con “phải ăn nhiều rau vào” mà có thể cùng con nấu những món ngon bổ dưỡng, cùng học về dinh dưỡng. Khi con lúng túng với khoản tiền đầu tiên và đầu tuần tiêu hết quá nhanh đến cuối tuần không còn lại gì, thay vì chỉ để con tự hiểu được cảm giác bất lực vì không biết quản lý chi tiêu, bố mẹ có thể dẫn cho con xem cuốn sổ ghi chép chi tiêu hằng ngày của gia đình, để con học được cách quản lý tài chính.
Chính cách dạy tưởng chừng như “không để con tự lập” đó lại dạy con để con không chỉ là một người tự lập, mà là một người tự lập thông thái, đầy bản lĩnh và xúc cảm.
Cẩm Nhung